5 lý do nên lạc quan về viễn cảnh kinh tế Ireland

Dù kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng song song vẫn có vài yếu tố thuận lợi cho Ireland.
Cuộc khủng hoảng lần này chưa từng có tiền lệ khi nguồn gốc không xuất phát từ những bất ổn cố hữu của kinh tế Ireland.
Trong khi khủng hoảng tài chính 2008 là hệ quả của suy thoái thị trường BĐS trong nước và mức nợ khổng lồ mà hệ thống ngân hàng phải gánh chịu, thì tình hình hiện tại lại hoàn toàn khác khi nguyên nhân không đến từ yếu tố mất cân bằng kinh tế mà đến từ khủng hoảng về sức khỏe cùng với việc người người nhà nhà tự cách ly phòng dịch.
Điều đáng hi vọng là khi mọi thứ trở lại hoạt động, các động lực mang đến sự thành công gần đây cho kinh tế Ireland – cũng chính là các động lực đã giúp Ireland đạt gần 100% tỷ lệ có việc làm vào giai đoạn trước đại dịch – sẽ tiếp tục lấy lại đà thúc đẩy trước đó. Tuy nhiên cũng nên thận trọng trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều tác động nặng nề đối với một số ngành nghề như nhà hàng-khách sạn, hàng không và bán lẻ, hay tình hình tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy mà có lẽ phải mất nhiều năm để khắc phục. Nhưng viễn cảnh vẫn hứa hẹn tích cực vì 5 lý do dưới đây.
Xuất khẩu Ireland bùng nổ trong thời Covid
Việc tập trung quá nhiều vào các ảnh hưởng của Virus Corona đối với sức khỏe khiến chúng ta dễ dàng quên rằng tình hình xuất khẩu của Ireland đang có nhiều tích cực khi sản lượng bùng nổ và tăng vọt. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế & Xã hội (ESRI) trong báo cáo bình luận kinh tế mới nhất tuần này, nhu cầu tăng mạnh đối với các sẩn phẩm xuất khẩu về y tế và dược phẩm cũng như các dịch vụ công nghệ dự kiến sẽ giúp GDP tăng trưởng kỷ lục ở mức 11,1% trong năm nay.
Cũng trong báo cáo này, Viện nghiên cứu chọn ra một vài lĩnh vực chính của kinh tế Ireland để làm mẫu và đánh giá tăng trưởng so với mức cơ sở trong tình hình đại dịch không diễn ra. Theo đó, xuất khẩu dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,9% nếu không có dịch, nhưng thực tế mức tăng trưởng sẽ đạt 13,3%. Có được điều này nhờ vào 2 ngành trụ cột mà Ireland đang đi đầu về xuất khẩu đa quốc gia, đó là Dược và IT, vì hiện tại nhu cầu thế giới đối với 2 ngành rất cao – Vì sao lại là Ngành Dược? Vì hiện tại chúng ta đang trong thời kỳ dịch bệnh toàn cầu; và vì sao lại là IT? Vì hiện tại mọi người đều không làm việc trực tiếp tại văn phòng mà là từ xa hoặc tại nhà.
ESRI cũng dự báo giá trị xuất khẩu ròng (giá trị sau khi lấy xuất khẩu trừ đi nhập khẩu) trong năm nay sẽ đạt gần 132 tỷ Euro, cao hơn so với 2020 là 109 tỷ Euro. Chưa kể khi đưa ra mức dự báo này thì ESRI cũng đã tính đến tình hình đình trệ trong giao thương với Anh do Brexit. Xuất khẩu cùng với Đầu tư FDI là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Ireland. Chính các yếu tố này đã vực dậy nền kinh tế “đang hấp hối” vào năm 2011, giúp tỷ lệ có việc làm đạt gần 100% trong 9 năm sau đó, và hiện tại vẫn tiếp tục giữ vai trò tương tự, chưa kể tầm quan trọng có khi còn cao hơn nhiều.
Mức hỗ trợ từ Chính phủ cao nhất từ trước đến giờ
Chi tiêu cho 2 chương trình hỗ trợ của Chính phủ là Trợ cấp Thất nghiệp Mùa dịch và Chính sách Trợ cấp Tiền lương cho Lao động (EWSS) đã gây thâm hụt ngân sách tài chính công. Nhưng nhờ đó cũng giúp giảm bớt phần nào hệ quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng lên thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, chi tiêu bổ sung cho các biên pháp khắc phục Covid – phần lớn là các khoản hỗ trợ tiền lương và doanh nghiệp – dự kiến rơi vào khoảng 25 tỷ Euro vào 2020 và 2021. Chưa từng có chính phủ nào có biện pháp can thiệp và hỗ trợ hiệu quả như thế này. Thực tế cho thấy, Chính phủ Ireland đã quốc hữu hóa một phần chi phí lương của khối ngành tư nhân nhằm nổ lực giúp người lao động và doanh nghiệp trụ vững qua mùa dịch.
Theo các ước tính mới nhất, mức tiền lương năm vừa qua sẽ suy giảm 15-20% nếu Chính phủ không đưa ra các biện pháp này. Các biện pháp đã ngăn chặn tình trạng tổn thất nghiêm trọng, nhờ đó giúp kinh tế có đà vực dậy nhanh chóng. Đây còn được xem là một trong những điều tích cực nhất cần có trong bối cảnh đại dịch, cũng như tạo nền tảng giúp chúng ta đối phó với bất kỳ viễn cảnh khủng hoảng kinh tế phát sinh trong tương lai. Và mặc dù Chính phủ đang chịu nhiều áp lực phải cắt giảm hỗ trợ trước khi tài chính công bị thâm hụt quá nặng, chúng ta vẫn có thể lạc quan khi chi phí vay hiện tại cực kỳ thấp cũng như nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, đồng nghĩa chúng ta hoàn toàn có khả năng gánh thêm nợ công phát sinh.
Sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu và mua sắm
Theo dự báo tăng giá của ESRI, chi tiêu hộ gia đình dự kiến sẽ tăng 7,5% vào năm nay – trong khi năm vừa rồi là giảm 9%. Dù trong bối cảnh GDP có nhiều biến động, chi tiêu hộ gia đình có lẽ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp định hình nền kinh tế Ireland “một cách đúng nghĩa”. Việc gỡ bỏ các chính sách giãn cách và phong tỏa sẽ tạo điều kiện kích thích gia tăng chi tiêu tiêu dùng, song song là việc nhiều người dân sẽ rút các khoản tiết kiệm dư dả trước đó để mua sắm – và cũng góp phần kích thích kinh tế phát triển với hiệu quả tương đương chính sách kích thích tài khóa.
Giá trị tiết kiệm hộ gia đình cực lớn – cụ thể gần 15 tỷ Euro trong 12 tháng tính đến cuối tháng 4 – là một trong những yếu tố đáng kinh ngạc trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch. Trong đó, Ngân hàng Trung ương ước tính có khoảng 10 tỷ Euro là tiền “bắt buộc bị tiết kiệm” vì người dân không chi tiêu, mua sắm được trong thời dịch, thay vì là tiền tiết kiệm dự phòng cho các bất trắc trong tương lai.
Theo xu hướng chi tiêu trước đây, ước tính nền kinh tế sẽ nhận dòng tiền khoảng 5 tỷ Euro từ chi tiêu sau khi Chính phủ gỡ bỏ phong tỏa, giãn cách, giúp góp phần kích thích nhu cầu nội địa.
Theo phát biểu từ ESRI, “tình hình tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi đáng kể khi hàng loạt các hộ gia đình đẩy mạnh sử dụng các khoản tiền tiết kiệm cho việc chi tiêu mua sắm khi nền kinh tế mở cửa trở lại.”
Tác động cuộc khủng hoảng không đồng đều
Rõ ràng với loại Virus lây lan nhanh trong không khí thế này, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là những ngành đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng trong quá trình làm việc, cụ thể là nhà hàng-khách sạn, bán lẻ, vận tải. Theo Khảo sát Lực lượng Lao động công bố hồi thứ 4 của Văn phòng Thống kê Trung Ương, tình trạng mất việc làm trong 12 tháng vừa qua diễn ra chủ yếu trong 3 ngành: lưu trú & ăn uống (74.000 việc làm), các dịch vụ cá nhân khác (35.000 việc làm), và hành chính-hỗ trợ (33.000 việc làm). Do đó, tác động lâu dài của đại dịch sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi của các lĩnh vực này.
Vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách giãn cách, phong tỏa nên các ngành này hầu hết sẽ vực dậy khi các chính sách được gỡ bỏ. Theo nhận định từ Chuyên gia Kinh tế học Austin Hughes thuộc KBC, “việc tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp do chính sách hạn chế mang đến nhiều hi vọng tích cực, cụ thể khi kinh tế dần mở cửa trở lại, bối cảnh thị trường lao động cuối năm nay sẽ ghi nhận nhiều cải thiện rõ rệt”. Dĩ nhiên đây chỉ là giả thuyết trong trường hợp các chính sách hạn chế được nới lỏng trong dài hạn và ổn định, và đây lại là giả thuyết trong trường hợp các loại vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả đối với các biến chủng Virus mới. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy các vắc xin phát huy tác dụng đối với cả Chủng Delta – biến chủng đang lây nhiễm phần lớn tại một số quốc gia. Ngoài ra Chuyên gia Kinh tế học Dermot O’Leary thuộc Goodbody cũng nhận định rằng tình hình các ngành kinh tế chịu nhiều tác động nhất còn phụ thuộc vào tình hình phục hồi của chi tiêu nội địa.
Ông O’Leary cho biết: “theo thống kê số liệu về chi tiêu thẻ của Ngân hàng Trung ương, giá trị chi tiêu hiện tại đã quay về mức trước đại dịch, trong khi nhiều “bằng chứng giai thoại” cho thấy ngành nhà hàng-khách sạn đang rất thiếu nguồn nhân lực, kể cả tại thời điểm trước khi kinh tế hoàn toàn mở cửa”. Có thể thấy đây là dấu hiệu chứng tỏ các ngành này sẽ sớm phục hồi trở lại.
Chính sách tiền tệ của ECB và lãi suất vay thấp
Nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), lãi suất vay hiện tại rất thấp, tạo điều kiện vay vốn dễ dàng hơn. Cơ quan Quản lý Ngân sách Quốc gia (NTMA) – có trách nhiệm quản lý công nợ Quốc gia – đã bổ sung ngân sách với mức vay 13,25 tỷ Euro tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, tiếp nối khoản vay 24 tỷ Euro trong năm vừa qua.
Khoản vay trong năm nay có mức lãi suất thấp kỷ lục, bên cạnh đó là nhiều cuộc đấu giá trái phiếu diễn ra với số lượng người đăng ký thực tế cực kỳ nhiều so với số lượng quy định – đây là minh chứng về một môi trường rất tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn cũng như là minh chứng về danh tiếng tài chính mạnh mẽ của Ireland.
Ít khả năng ECB sẽ thay đổi chính sách lãi suất thấp này bất chấp gần đây lạm phát gia tăng. Trái lại, các ngân hàng trung ương thường đối phó lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Tuy nhiên, Frankfurt coi tình hình tăng trưởng giá gần đây ở Châu và Bắc Mỹ chỉ mang tính chất tạm thời – gắn liền với việc phục hồi các hoạt động kinh tế sau giãn cách, phong tỏa và do giá dầu tăng cao. Điều này đồng nghĩa chính sách lãi suất thấp vẫn sẽ được duy trì trong giai đoạn nhất định, tạo điều kiện cho Ireland tiếp tục vay bổ sung ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình.
Mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử và tỷ lệ vay cao kỷ lục đã giúp chúng ta thành công trong việc phản ứng ngược chu kỳ trước cú sốc kinh tế hiện tại – nói cách khác là tăng cường chi tiêu – hoàn toàn trái ngược với tình hình thắt lưng buộc bụng sau cơn khủng hoảng tài chính 2008. Các chuyên gia kinh tế thường chủ trương các chính sách ngược dòng, cụ thể là chi tiêu trong suy thoái, cắt giảm trong tăng trưởng. Trước đây khi chúng ta chọn các chính sách phản ứng xuôi chu kỳ đã khiến tình hình càng tệ hại hơn. Tuy nhiên, bước đi lần này đã đúng đắn.
Tất nhiên phải cân nhắc các yếu tố khả quan này trên cơ sở tác động đại dịch vẫn kéo dài: tỷ lệ thất nghiệp cao và nguồn cung nhà ở suy giảm mạnh – và theo ESRI nhận xét, các vấn đề tồn đọng trong thị trường nhà ở sẽ diễn biến xấu hơn khi nguồn cung suy giảm. Trong báo cáo công bố, Viện nghiên cứu ước tính chi phí sản lượng đầu ra trong đại dịch trong năm 2020 và 2021 rơi vào khoảng 24 tỷ Euro. Tương tự, Viện dự báo nhờ vực dậy nhanh chóng, sản lượng kinh tế sẽ đạt mốc trước đại dịch vào đầu 2022 – nhanh hơn đáng kể so với dự kiến đã đưa ra. Sau 15 tháng giãn cách, phong tỏa, và hạn chế, thì hiện tại chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để có thể lạc quan về viễn cảnh tốt đẹp.